Bệnh Thủy Đậu – Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Bệnh thủy đậu hay còn được gọi là bệnh trái rạ hay bệnh phỏng dạ là một bệnh truyền nhiễm hay gặp trên người, do một chủng virus herpes là Varicella Zoster virus (VZV) gây ra. Căn bệnh này hay gặp nhất ở trẻ em và thường không quá nguy hiểm. Tuy nhiên ở các đối tượng khác như người lớn, phụ nữ mang thai và người suy giảm miễn dịch, tác động của virus VZV có thể nghiêm trọng hơn.
Thời kì ủ bệnh thủy đậu: kể từ lúc phơi nhiễm với virus cho đến khi xuất hiện triệu chứng thủy đậu thường kéo dài từ 10–21 ngày, trung bình là 14 ngày.

Khởi phát bệnh thủy đậu:

Cơ thể có sốt nhẹ 37 – 38 oC, đôi khi sốt cao đến 39 – 40 độ;

Người mệt mỏi, đau đầu, đau họng

Nổi các nốt phỏng: Ban đầu là các nốt nhỏ màu hồng, sau đó nổi gồ lên da và sau 24 giờ trở thành nốt màu hồng có phỏng nước trong. Các nốt phỏng thường rất ngứa, xuất hiện rải rác khắp cơ thể mà nhiều nhất là trên mặt, ngực, da đầu và chân tóc. Nếu như bệnh nhân không kiểm soát được mà hay gãi thì rất dễ làm vỡ các nốt này. Các nốt phỏng tồn tại khoảng 4 ngày, khoảng từ ngày thứ 10 trở đi bắt đầu bong vảy và thường không để lại sẹo.

benh-thuy-dau-2-

Những yếu tố nguy cơ mắc bệnh thủy đậu

Một đặc điểm quan trọng của virus VZV là chúng có thể lây lan từ người này qua người khác ngay cả khi chưa xuất hiện bất kì triệu chứng nào. Ở một số bệnh nhân có cơ địa đặc biệt như người suy giảm miễn dịch (người mắc u lympho, bệnh bạch cầu hoặc điều trị corticoid kéo dài), virus VZV có thể dẫn tới tình trạng nhiễm trùng nặng, các nốt phỏng thường hoại tử và chảy máu. Virus VZV có thể khu trú gây tổn thương ở các cơ quan nội tạng như phổi, gan, thần kinh và gây đông máu trong lòng mạch.

Mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu, tuy nhiên nguy cơ đó gia tăng nếu người đó chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh và ở trong những trường hợp sau:

Cùng sống trong một môi trường với người bị thủy đậu

Tiếp xúc với người bị thủy đậu từ một giờ trở lên.

Có hệ thống miễn dịch bị tổn thương.

Biến chứng của bệnh thủy đậu

Nhiễm khuẩn ngoài da là biến chứng hay gặp nhất của bệnh thủy đậu. Các nốt phỏng xuất hiện ngoài da thường rất ngứa khiến cho người bệnh hay gãi, nếu không cẩn thận sẽ bị vỡ, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập đặc biệt là liên cầu và tụ cầu. Trong một số trường hợp, biến chứng này có thể trở nên trầm trọng hơn.

Ở phụ nữ có thai, bệnh thủy đậu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho thai nhi. Nếu mắc bệnh trong 3 tháng đầu của thai kì sẽ có thể gây bệnh lý với phôi thai như mất chi, viêm tắc võng mạc, đục thủy tinh thể. Còn trong trường hợp mắc bệnh khoảng 5 ngày trước khi sinh, thì trẻ sinh ra sẽ bị thủy đậu bẩm sinh do bị nhiễm virus vào máu và thường dẫn đến tử vong.

Bệnh thủy đậu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngoài ra, thủy đậu cũng có thể gây nên một số biến chứng khác nhưng ít gặp hơn, cụ thể bao gồm:

Viêm phổi do thủy đậu:

Viêm phổi có thể xuất hiện nếu virus VZV xâm nhập vào hệ hô hấp. Tỷ lệ bị biến chứng này ở bệnh nhân thủy đậu vào khoảng 20%, phổ biến nhất ở trẻ vị thành niên, người lớn và phụ nữ có thai.Người hút thuốc lá, người bị bệnh phổi hoặc người suy giảm miễn dịch cũng dễ bị tổn thương bởi biến chứng này.

Biến chứng thần kinh (viêm não):

Đây là biến chứng hay gặp ở trẻ nhỏ, xuất hiện khoảng 5 – 10 ngày sau khi các nốt phỏng xuất hiện. Ở trẻ em, viêm não do thủy đậu thường ở vùng tiểu não và được gọi là chứng mất điều hòa tiểu não cấp tính (acute cerebellarataxia). Ở người lớn, biến chứng này xuất hiện ở một vùng não lớn hơn và cũng nguy hiểm hơn. Viêm não thường gây ra triệu chứng như sốt đột ngột, nhức đầu, li bì, mẫn cảm với ánh sáng và buồn nôn, thậm chí gây co giật và liệt. Trong trường hợp này không thể tự điều trị tại nhà mà phải đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

Suy giảm thị giác:

Xảy ra khi virus VZV xâm nhập vào giác mạc, để lại các vết sẹo và gây viêm giác mạc, gây tổn thương đến mắt.

Hội chứng Reye:

Có thể xuất hiện nếu bệnh nhân thủy đậu nhỏ tuổi dùng aspirin. Do đó, không được chỉ định aspirin cho bệnh nhân thủy đậu dưới 20 tuổi.

Ngoài những biến chứng trên, bệnh nhân thủy đậu còn có thể bị một số hiện tượng khác như viêm cơ tim, viêm khớp, viêm cầu thận, viêm thận, xuất huyết nội tạng, ban xuất huyết giảm tiểu cầu…

Điều trị bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Đối với các nốt phỏng có thể cần sát trùng ngoài da bằng xanh methylen, kết hợp với các thuốc kháng histamin để giảm ngứa. Đối với căn nguyên gây bệnh là virus VZV nên dùng acyclovir nếu tiên lượng có thể xuất hiện biến chứng trong vòng 24 giờ đầu khi các nốt phỏng xuất hiện.

Trong trường hợp có biến chứng: tổn thương viêm da mủ do tụ cầu  điều trị bằng oxacillin hoặc vancomycin, biến chứng viêm phổi điều trị bằng kháng sinh cephalosporin thế hệ ba (ceftazidim) hoặc nhóm quinolon (levefloxacin). Chú ý không dùng kháng sinh quinolon cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 12 tuổi.
Phòng ngừa bệnh thủy đậu

Để tránh bị lây nhiễm virus VZV, cần hạn chế tối đa tiếp xúc với bệnh nhân. Đặc biệt đối với trường hợp trẻ em, virus thủy đậu có thể nhanh chóng lây lan trong phạm vi lớp học. Do đó cần cho trẻ mắc bệnh nghỉ học hoàn toàn cho đến khỏi bệnh. Đối với người lớn, khi bị thủy đậu cần hạn chế tiếp xúc với người khỏe mạnh cho đến khi tất cả các triệu chứng biến mất, thường là 10 ngày kể từ khi khởi phát bệnh.

Mặc dù là một bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan và có thể để lại những biến chứng nguy hiểm, song bệnh thủy đậu lại có thể phòng tránh hữu hiệu thông qua tiêm phòng vắc xin. Tất cả các trẻ em trên 12 tháng tuổi, người lớn chưa từng tiêm ngừa thuỷ đậu, cũng như những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chưa từng bị thuỷ đậu hoặc chưa được tiêm phòng lúc nhỏ, đều có thể tiêm vắc xin ngừa. Thời gian vaccin có hiệu lực là 3 tuần sau khi tiêm và thời gian miễn dịch (không mắc bệnh) kéo dài trung bình là 15 năm.

Đối với một số trường hợp không thể tiêm vắc xin, vẫn có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc thủy đậu bằng cách tiêm kháng thể globulin miễn dịch càng sớm sau khi tiếp xúc với nguồn virus VZV càng tốt. Người đã bị thủy đậu thì không cần tiêm vắc xin vì đã có kháng thể có tác dụng bảo vệ suốt đời.

Bài thuốc chữa bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Theo Đông y, thủy đậu là bệnh nông, nhẹ, ở phần vệ, rất ít gặp ở phần huyết. Tùy theo thể nặng hay nhẹ, có thể áp dụng những bài thuốc đông y để chữa trị.

Với bệnh thủy đậu nhẹ:

Triệu chứng: những nốt thủy đậu mọc rải rác màu hồng nhạt, sốt nhẹ, có khi không sốt, ho ít. Nước mũi loãng trong, người bệnh ăn uống và tinh thần bình thường. Bệnh đang ở phần vệ khí.

Phép chữa: sơ phong thanh nhiệt.

Bài thuốc:

Lá dâu 12 gr, cam thảo đất 8 gr, rễ sậy 10 gr, lá tre 16 gr, cúc hoa 8 gr, kim ngân hoa 10 gr, kinh giới 8 gr. Sắc uống.

Khi thủy đậu mọc có thể dùng phương pháp trừ thấp giải độc sau: dùng bài thuốc gồm: cam thảo dây 12gr, lá tre 10 gr, sinh địa 12 gr, hoàng đằng 8 gr, rễ sậy 8 gr, kim ngân hoa 12 gr, vỏ đậu xanh 12 gr. Sắc uống.

Với bệnh thủy đậu nặng:

Triệu chứng: thủy đậu mọc dày, sắc tím, màu nước đục, xung quanh nốt thủy đậu màu đỏ sẫm, sốt cao, phiền khát, mặt đỏ, môi hồng, viêm niêm mạc miệng, có những nốt phỏng, rêu lưỡi vàng, chất lưỡi đỏ.

Phép chữa: thanh nhiệt giải độc ở khí phận, lương huyết ở doanh phận.

Bài thuốc:

Kim ngân hoa 12 gr, liên kiều 8 gr, bồ công anh 16 gr, sinh địa 12 gr, xích thược 8 gr, chi tử (sao) 8 gr.

Nếu:

Phiền táo, thêm hoàng liên 8 gr.

Táo bón, thêm đại hoàng 4 gr.

Khát nước, miệng khô, thêm thiên hoa phấn, sa sâm, mạch môn, mỗi vị 8-12 gr.

Các bài thuốc chữa bệnh thủy đậu trên sắc uống ngày 1 thang, chia uống 3 lần trong ngày, uống nóng sau khi ăn 30 phút.

Nguồn: giam-can-hieu-qua.com

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.